Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa trình Chính phủ gói 50.000 tỷ đồng cho bất động sản (BĐS). Mặc dù là gói thương mại bình thường với lãi suất thấp nhưng doanh nghiệp không mặn mà. Ngân hàng thương mại (NHTM) cũng ngại tham gia.
Khó khả thi!
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn GFS cho biết: “Hiện, nhiều ngân hàng muốn đẩy nhanh thanh khoản và tìm những dự án có vị trí đẹp, tính khả thi cao. Tuy nhiên, cũng có những dự án muốn vay ngân hàng với lãi suất rẻ nhưng không vay được bởi đang có nợ xấu. Vì vậy, việc vay gói 50.000 tỷ đồng vừa dễ và vừa khó”.
Khu chung cư Văn Phú - Hà Đông - Hà Nội vẫn đang trong quá trình xây dựng dang dở. Ảnh: Ngọc Châu. |
Ông Trần Quang Chất, Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu tư và Kinh doanh BĐS Hà Nội Sông Hồng chia sẻ: “Hiện, công ty đang sử dụng tốt dòng vốn khách hàng để thi công dự án nên không sử dụng vốn vay ngân hàng. Ngày nào, cũng có 2 – 3 ngân hàng xuống dự án xem rồi chào mời vay lãi suất ưu đãi nhưng chúng tôi không dám vay”.
Theo ông Chất, hiện, thị trường BĐS đang có dấu hiệu phục hồi. “Chỉ những dự án không có khả năng triển khai mới chờ vay gói 50.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều kiện vay của NHTM khắt khe nên việc triển khai gói vay khó khả thi”, ông Chất đánh giá.
Phó giám đốc chi nhánh một NHTM đang tham gia vào gói 30.000 tỷ đồng nhận xét: Trên thực tế ngân hàng chả mặn mà và muốn tham gia các gói hỗ trợ BĐS này bởi thủ tục xét vay rất nhiêu khê, lằng nhằng. Chưa kể, nếu tính trên lãi suất và thời gian trả, xét trên lương và thu nhập, nếu đúng đối tượng người vay cũng khó có tiền mà trả. “Chính sách đưa ra thì phải thực hiện chứ thực tế, chúng tôi là ngân hàng, ai có đủ điều kiện vay và trả thì ngân hàng sẽ cho vay chứ không cứ gì gói 30.000 hay 50.000 tỷ”, vị này nói.
Cách đây một năm, Tập đoàn Thiên Thanh và Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) phối hợp triển khai gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho thị trường BĐS và ngành xây dựng thông qua mô hình liên kết “4 nhà”. Tuy nhiên, gói này sau đó nhanh chóng “chết yểu”.
Ngân hàng, doanh nghiệp không mặn mà
Gói 30.000 tỷ đồng ra đời trước đó với lãi suất 5% đang bộc lộ những bất cập như thủ tục vay phức tạp, lãi suất vẫn bị đánh giá cao so với thu nhập của người thu nhập thấp. Sau hai năm thực hiện, tín dụng cam kết mới đạt khoảng 30% tổng giá trị của gói tín dụng 30 nghìn tỷ. So với kỳ vọng khi ra đời, tiến độ giải ngân luôn bị kêu ca là chậm và thấp. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đang “chết yểu”.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng (NHNN) lý giải trên thực tế với gói 30.000 tỷ đồng, NHNN cũng như các NHTM đã hết sức nỗ lực, còn chậm thời gian đều do khan nguồn hàng. Liên quan đến gói 50.000 tỷ đồng, ông Đông cho hay hiện chưa thể nói được gì nhiều. Tuy nhiên, ý tưởng gói này xuất phát từ đề xuất của Bộ Xây dựng chứ không phải NHNN. Theo gói 50.000 tỷ đồng mới được Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam công bố sẽ có thời gian cho vay trong vòng 10 năm đầu với lãi suất 7% và sản phẩm trong gói tín dụng này là nhà ở thương mại. Tương đương với mức lãi suất huy động dài hạn hiện tại.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng cả 2 gói tín dụng 30.000 tỷ đồng và 50.000 tỷ đồng đều có thời gian vay 10-15 năm là quá ngắn, tạo áp lực trả nợ cho người mua nhà. Với thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam thấp như hiện nay, tính ra, một gia đình hai vợ chồng. Nếu mua căn hộ giá 1 tỷ đồng, vay 800 triệu đồng từ NHTM ở gói 30.000 tỷ đồng trong 10 năm với lãi suất 5%/năm, hằng tháng họ phải trả cả gốc lẫn lãi khoảng 7 triệu đồng. Nay, gói 50.000 tỷ đồng cho vay lãi suất 7%/năm, cũng với số tiền vay tương đương, mỗi tháng họ phải trả 9,3 triệu đồng. “Người vay mua nhà không những không ăn uống, tiêu xài mà còn phải mượn thêm tiền để đủ trả ngân hàng hằng tháng. Dẫn chứng để thấy tính khả thi của các gói tín dụng là không cao. Gói 30.000 tỷ đồng giải ngân đã khó, nay thêm gói ưu đãi quy mô lớn hơn sẽ càng khó hơn” - ông Hiếu nói.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp Hội BĐS Việt Nam cho rằng, khả năng thực hiện gói 50.000 tỷ đồng trong năm nay là rất khó. Hơn nữa, nền kinh tế đang ổn định và không cần thiết bơm ồ ạt vốn vào BĐS. “Khi vốn dồn quá nhiều vào thị trường BĐS sẽ dẫn đến khó kiểm soát, dư nợ tín dụng tăng mạnh có nguy cơ dẫn đến nợ xấu như trước đây”, ông Thành lo ngại.
>>>> Xem biệt thự HOT của Hà Nội: Biệt thự Gamuda Gardens tại đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét